Như chúng ta đã biết, hiện nay tại Việt Nam, có 2 Sở Giao dịch Chứng khoán là Sở giao dịch Hà Nội (HNX - Hanoi Stock Exchange) và Sở giao dịch Thành phố HCM (HOSE - Hochiminh Stock Exchange). Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin về sàn chứng khoán tại Hà Nội.
HNX là viết tắt của Hanoi Stock Exchange - Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Sở GDCK Hà Nội), là thị trường chứng khoán tại Hà Nội. Chỉ số thị trường chứng khoán của Việt Nam gồm một số mã chứng khoán được giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được gọi là HNX-Index. Dưới đây là các thông tin cơ bản:
1. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển của sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội
- Khai trương vào ngày 08/03/2005 và chính thức đi vào hoạt động. Lúc này là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (Tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội)
- 19/03/2008: Đơn vị vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba theo Quyết định số 1455/2007/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về thành tích xuất sắc trong việc thúc đẩy sự phát triển có hiệu quả của thị trường chứng khoán, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
- 02/01/2009: Đây là một bước ngoặt khá quan trọng với đơn vị khi mà Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2009/QĐ-TTg về việc thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội trên cơ sở tổ chức tiền thân trước đó là Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Với quyết định này thì Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội chuyển từ đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu nhà nước.
- 15/04/2010: Đánh dấu bước hội nhập quốc tế khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chính thức gia nhập và Giao dịch Chứng khoán châu Á và châu Đại Dương (AOSEF).
- 09/07/2012: Ra mắt chỉ số HNX 30, là chỉ số giá của 30 cổ phiếu có tính thanh khoản nhất trên thị trường cổ phiếu niêm yết.
- 2/12/2013: Thời điểm này, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội Chính thức vận hành hệ thống chỉ số bao gồm chỉ số tổng hợp (HNX FF Index), bộ chỉ số quy mô (Large Cap Index và Medium/Small Cap Index), và bộ chỉ số ngành (công nghiệp, xây dựng và tài chính).
2. Đơn vị giao dịch và đơn vị yết giá của sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội
- Giao dịch lô chẵn: Đơn vị giao dịch đối với giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu/trái phiếu. Điều kiện này không quy định đơn vị giao dịch đối với giao dịch thỏa thuận. Đơn vị giao dịch này chỉ áp dụng khối lượng giao dịch tối thiểu đối với giao dịch thỏa thuận là 5.000 cổ phiếu hoặc 1.000 trái phiếu.
- Giao dịch lô lẻ: Quy định áp dụng cho giao dịch có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán niêm yết có thể được thực hiện theo phương thức giao dịch thỏa thuận trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội hoặc có thể linh động áp dụng các hình thức khác nhưng đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn vị yết giá: Đối với giao dịch cổ phiếu: 100 đồng. Không quy định đối với giao dịch thỏa thuận và giao dịch trái phiếu.
3. Thời gian giao dịch:
Giờ mở cửa phiên giao dịch buổi sáng là: 09h45 - 12h30
Giờ mở cửa phiên giao dịch buổi chiều là: 14h00 - 17h00
Từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần (trừ các ngày nghỉ lễ)
4. Giá tham chiếu của cổ phiếu:
Quy định về giá tham chiếu cổ phiếu như sau: Đó là giá cơ sở của ngày giao dịch gần nhất trước đó.
Giá cơ sở được tính là mức giá bình quân gia quyền của các giá giao dịch thực hiện theo phương thức khớp lệnh liên tục trong 15 phút cuối cùng của thời gian giao dịch trong ngày theo quy định. Trong trường hợp đặc biệt nếu không có giao dịch được thực hiện trong thời gian trên khi đó giá cơ sở được xác định bằng mức giá thực hiện cuối cùng trong ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh liên tục.
>>> Tham khảo: Lời khuyên của các chuyên gia về đầu tư chứng khoán dài hạn
5. Biên độ dao động giá:
Đối với sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội thì biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đối với cổ phiếu đang giao dịch là ±7%. Biên độ này không áp dụng dao động giá đối với các giao dịch trái phiếu.
6. Phương thức giao dịch:
Hiện tại, sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội áp dụng 2 phương thức giao dịch đó là khớp lệnh liên tục và thỏa thuận.
- Với phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục: Đây là phương thức trong đó bên mua, bên bán nhập lệnh vào hệ thống, thì hệ thống sẽ tự so khớp các lệnh giao dịch theo các nguyên tắc cố định. Nguyên tắc đó là: Ưu tiên số 1 về giá cả, nghĩa là: giá mua cao hơn được ưu tiên mua trước, giá bán thấp hơn được ưu tiên bán trước. Ưu tiên số 2 về thời gian, nghĩa là: với các lệnh cùng phía có giá như nhau thì hiển nhiên lệnh nào vào trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Và khi đó, giá thực hiện là giá của lệnh được nhập vào hệ thống trước.
- Phương thức giao dịch thỏa thuận được hiểu là phương thức mà trong đó bên mua, bên bán có thể thỏa thuận trước và sau đó báo cáo kết quả vào hệ thống giao dịch hoặc tìm các lệnh quảng cáo có trên hệ thống để thỏa thuận các điều kiện giao dịch.
>>> Giải pháp quản lý đặc thù dành cho doanh nghiệp chứng khoán.