Tìm hiểu hành vi “bán chui cổ phiếu” trên thị trường chứng khoán

Tìm hiểu hành vi “bán chui cổ phiếu” trên thị trường chứng khoán

81

Gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam xôn xao bởi một số hành vi “bán chui cổ phiếu” số lượng lớn. Vậy bán chui cổ phiếu là gì? Đây là hành vi vi phạm pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn hiểu rõ về toàn bộ nội dung xoay quanh vấn đề này.

1. Khái niệm hành vi “bán chui cổ phiếu”

Bán chui cổ phiếu là thuật ngữ để chỉ hành vi của những đối tượng yêu cầu bắt buộc phải công bố thông tin trước khi chuyển nhượng “bán” cổ phiếu nhưng đã thực hiện giao dịch mà không tuân thủ quy định này.

Căn cứ theo quy định của Luật chứng khoán thì những đối tượng sau sẽ phải công bố thông tin trước khi giao dịch:

  • Người nội bộ của công ty đại chúng, quỹ đại chúng, đầu tư chứng khoán đại chúng.
  • Cổ đông, nhóm cổ đông hoặc nhà đầu tư trong và ngoài nước có liên quan sở hữu từ 5% trở lên.
  • Tổ chức, cá nhân thực hiện chào mua công khai cổ phiếu.

2. Hành vi bán chui cổ phiếu sẽ bị xử phạt như nào

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì hành vi bán chui cổ phiếu sẽ bị xử lý theo các mức phạt như sau:

- Mức phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 20 – 40 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 400.000.000 đồng đến dưới 600.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 40 – 60 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 600.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 60 – 100 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 100 – 150 triệu đồng nếu giao dịch có tổng giá trị từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền từ 150 – 250 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 10.000.000.000 đồng;

- Mức phạt tiền 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế nếu giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên.

Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại khoản 7 Điều 33 Nghị định 156/2020/NĐ-CP sửa đổi tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP thì đối với hành vi không công bố thông tin sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung đó là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán trong thời gian từ 3-5 tháng.

3. Thông tin về một số hành vi bán chui cổ phiếu nổi bật tại Việt Nam

Gần đây nhất ngày 29/3, ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch Tập đoàn FLC bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội Thao túng thị trường chứng khoán. Trước đó bê bối của ông Quyết liên quan đến hành vi bán chui cổ phiếu cũng đã xảy ra vào năm 2017 khi bán 57 triệu cổ phiếu nhưng không công bố thông tin giao dịch.

Ngoài ông Quyết, cũng có nhiều người bị xử lý hình sự với những hành vi tương tự. Tiêu biểu vào giữa năm 2020, bà Phạm Thị Hinh, cựu chủ tịch Công ty cổ phần công nghiệp và khoáng sản Bình Thuận (KSA) và ba người khác bị phạt tù từ 15 tháng tù treo đến 18 tháng tù giam về tội Thao túng thị trường chứng khoán.

>>> Tham khảo: Giải pháp phần mềm quản trị dành cho DN ngành Chứng khoán